Hai ghi nhớ làm bài Ngoại ngữ

Kiva

New Member
Học từ vựng

Điểm lưu ý đầu tiên của thầy Thành với các TS, muốn làm bài thi môn Ngoại ngữ tốt, trước hết phải học thật nhiều từ vựng, nắm nghĩa của từ khi dùng trong các ngữ cảnh khác nhau. Thông thường trong các đề thi hiện nay, khoảng 1/4 câu hỏi dành cho phần từ vựng, 1/4 số lượng câu dành cho phần ngữ pháp. Số câu hỏi còn lại yêu cầu kết hợp cả hai thể loại. Hầu hết các đề thi đều yêu cầu tìm cách đánh trọng âm. Do đó, các em phải biết cách phiên âm (phát âm) chuẩn để phát hiện ra câu sai trong các phương án mà đề thi đưa ra. Chẳng hạn, đề sẽ ra theo kiểu tìm cách phát âm của từ có cách phát âm khác với từ còn lại. Như thế, nếu phát âm kém, các em không thể phân biệt được từ nào đúng, sai trong các phương án đã cho.

Phần thi quan trọng thứ hai không thể thiếu là điền từ. Các em phải nắm được các thể loại từ. Chẳng hạn cùng một từ nhưng ở những câu khác nhau, từ đó có thể biến đổi thành danh từ, động từ hay tính từ. Có nhiều em nắm rõ ngữ pháp nhưng do không biết từ đó thuộc thể loại gì để đặt vào văn cảnh cho đúng. Nắm nghĩa của từ: Ví dụ, cho một câu trong đó phương án lựa chọn trắc nghiệm là 4 từ có nghĩa khác nhau. TS phải chọn từ phù hợp. Hoặc có thể cho một câu có từ trống. Phương án lựa chọn sẽ là một loạt từ giống nghĩa nhưng cách dùng khác nhau. Các em phải chọn từ nào không những đúng nghĩa mà còn hay nhất, lịch sự nhất. Ví dụ: “Chết” (die), không thể dùng khi nói một vị lãnh tụ nào đó “chết” mà phải dùng “qua đời”. Có thể nói “chiến sĩ hy sinh”, không thể dùng “toi mạng”...

ngoaingu1.jpg
Ngoài học tốt kiến thức, thí sinh cũng cần những “mẹo” làm bài thi. (Ảnh: CH)

Theo kinh nghiệm của thầy Phạm Quốc Thành, các câu thi trắc nghiệm hiện nay khác trước. Thông thường, đề thi hiện nay thường cho 1 trong 4 từ để lựa chọn và điền vào. Nếu tinh tế hơn thì đề cho các từ gần nghĩa, tức độ nhiễu cao hơn. Tuy nhiên, kiểu đề có độ nhiễu cao này thường khó và thường dành cho các đề thi ĐH, CĐ. Còn ở đề thi tốt nghiệp THPT, tuỳ thời gian của đề nhưng thông thường, có khoảng 10 câu, cả về phần trọng âm và phát âm. Còn ở đề thi ĐH, thường phân biệt trọng âm chứ không đòi hỏi cách phát âm. Phần chọn nghĩa của từ và thể loại từ, ở đề thi ĐH, khoảng từ 15-20 câu.

Nắm cấu trúc ngữ pháp

Yếu tố thứ hai không thể thiếu ở một đề thi Ngoại ngữ là cấu trúc ngữ pháp. Với các loại tiếng có những lưu ý khác biệt nhưng phần lớn hiện nay TS thi Tiếng Anh. Với ngôn ngữ này, các em cần nắm các thời của động từ, sự kết hợp các thời đấy và hàng loạt các chủ điểm ngữ pháp như: mạo từ, giới từ (động từ này đi với giới từ gì)... Nắm được các cấu trúc ngữ pháp, ví dụ: Câu điều kiện, câu gián tiếp. Phần thi này năm nào cũng có trong các đề thi nhưng không cố định số lượng câu. Các em cũng học từng hiện tượng của ngữ pháp, sự kết hợp tất cả các hiện tượng ngữ pháp, chẳng hạn: Trong câu điều kiện, trong câu gián tiếp, cách sử dụng và kết hợp với các giới từ...

Ở phần thời của động từ, TS cần nắm một số thời căn bản như: Thời hiện tại, hiện tại thường, hiện tại tiếp diễn, hiện tại hoàn thành, hiện tại hoàn thành tiếp diễn. Thời quá khứ, các em cần nắm: Quá khứ đơn, quá khứ hoàn thành, quá khứ hoàn thành tiếp diễn (thời này thường ít dùng hơn). Thời tương lai có: Thời tương lai gần, tương lai hoàn thành. Thông thường, các câu hỏi sẽ ra từng thời riêng. Nhưng cũng có thể trong một đoạn văn, sẽ có sự kết hợp giữa các thời với nhau. Đây là câu hỏi nâng cao hơn nhưng thông thường, thi tốt nghiệp luôn có. Vì vậy, các em cần nắm các dấu hiệu nhận biết của các thời, lúc nào dùng hiện tại, lúc nào dùng quá khứ hoặc thời khác. Ngoài ra, ở Tiếng Anh, các em cần nắm những thứ không quy tắc. Chẳng hạn, động từ có đến hàng trăm động từ bất quy tắc các em cần phải nhớ.

Tóm lại, theo kinh nghiệm của thầy Phạm Quốc Thành, ở đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ, thường có kiểm tra nghe đọc, đọc hiểu, điền từ, viết lại câu giống với nghĩa câu gốc. Ở phần này, có thể cho một nhóm từ để dựng câu đúng nhất, hay nhất. Hoặc, có thể đề đã dựng sẵn các câu. Các câu này đều đúng nhưng có câu dài, câu ngắn, câu hay, câu dở. Trường hợp này, TS cần tỉnh táo để chọn câu hay nhất (đúng nhưng ngắn gọn, súc tích). Thông thường, đề thi tốt nghiệp thường ít có các câu hỏi liên quan đến dịch từ Anh sang Việt và ngược lại.

“Chiến thuật” xử lý đề Ngoại ngữ

Học tốt kiến thức chưa đủ, đôi khi các thí sinh (TS) cần có một số “chiến thuật” trong kĩ năng làm bài để không mất thời gian, nhất là đề thi trắc nghiệm.

Làm câu chắc chắn đúng trước

Kinh nghiệm mà thầy Phạm Quốc Thành đưa ra khi TS làm bài thi trắc nghiệm Ngoại ngữ, trước hết, các em cần đọc lướt đề thi một lần. Thấy câu nào chắc chắn đúng, các em làm luôn- trừ phần đọc hiểu. Điều này giúp các em không cảm thấy hối tiếc khi hết thời gian mà câu dễ vẫn chưa làm xong. Sau đó, các em quay lại những câu còn hơi nghi ngờ và phải có quyết định nhanh. Câu nào không khả thi, quá khó hoặc toàn từ mới, phức tạp, các em có thể bỏ qua. Các em không nên dành quá nhiều thời gian cho nó để dành cuối giờ quay lại làm tiếp. Khi làm những câu khó vào cuối giờ, nếu không có phương án đúng, các em đừng bỏ trống mà hãy chọn một câu tin tưởng nhất. Biết đâu, trong số những câu chọn ngẫu nhiên đó, sẽ có câu trả lời đúng.

Ở bài đọc hiểu thường có hai dạng: Dạng điền từ và đọc hiểu để trả lời câu hỏi. Kinh nghiệm mà nhiều TS không thể ngờ khi làm bài thể loại này là “chiến thuật” đọc câu hỏi trước, sau đó mới đọc nội dung bài để phân loại và trả lời. Ở dạng điền từ, các em đọc và chọn từ chắc chắn đúng để điền ngay. Sau đó, mới quay lại từ khó. Còn dạng trả lời câu hỏi, các em nên đọc kĩ câu hỏi xem đề bài yêu cầu điều gì để trả lời sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Chẳng hạn đề bài ra: “Ông Nguyễn Văn A, sinh năm 1800”. Câu hỏi đặt ra: “Đến năm 1815, A bao nhiêu tuổi?”. Như vậy, các em không cần biết ông ấy sinh ra ở đâu, cha mẹ thế nào mà chỉ tập trung tính xem, từ năm 1800 đến 1815, A bao nhiêu tuổi.

Hoặc ở đề thi tốt nghiệp dành cho học sinh phổ thông, thông thường đề yêu cầu tổng hợp từ đầu đến cuối xem đoạn văn đó nói gì. Ở dạng đề này, các em cần phân biệt xem ý nghĩa tổng quát mà đoạn văn muốn nói, tránh nhầm lẫn với các chi tiết gây “nhiễu” mà bài viết đề cập tới.


Đọc lại các bài khoá trong SGK

Về kinh nghiệm học thi tốt nhất với môn Ngoại ngữ, thầy Thành cho rằng, các em nên ngày nào cũng tạo thói quen học Ngoại ngữ vào một thời điểm nhất định sẽ nhớ nhanh hơn dừng vài ngày rồi học cật lực trong vài tiếng. Mỗi ngày, các em chỉ học khoảng 5 từ mới, sẽ quên 3 và nhớ được 2 từ. Như vậy, các em đã có vốn từ kha khá.

Đối với TS sắp thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ, tốt nhất các em đọc kĩ lại các bài khoá trong chương trình phổ thông từ lớp 10- lớp 12. Từ nào không nhớ, các em xem lại phần giải nghĩa từ vựng ở cuối SGK để tập dịch sang tiếng Việt. Ngoài ra, các em nên làm lại tất cả các bài tập đã học trong SGK. Cách học này giúp các em nhớ nhanh hơn là tìm một bài mới để học. Về phần ngữ pháp, có thể các em mua một cuốn sách hệ thống ngữ pháp của chương trình phổ thông để xem lại cho bài bản.


Theo Gia đình
 
Top